Tản mạn một chút về một vài tác phẩm ảnh được Huy Chương và Bằng danh dự của cuộc thi ảnh VN-21.
Hãy là những tác phẩm Ảnh Nghệ thuật xứng tầm với một cuộc thi ảnh Quốc tế tại Việt Nam.
Cuộc thi ảnh Nghệ thuật Quốc tế tại Việt Nam lần thứ 11 VN-21 vừa công bố những tác phẩm ở vị trí đoạt Huy chương, tuy nhiên theo đánh giá của rất nhiều nhiếp ảnh gia hiện là hội viên của HNSNA Việt nam cũng như là các phóng viên ảnh đang công tác tại các tòa soạn báo thì cuộc thi năm các tác phẩm được giải không xứng tầm với một cuộc thi đẳng cấp Quốc tế bởi chất lượng của nhiều tác phẩm đoạt Huy Chương yếu kém và không đáp ứng được kỳ vọng.
Ảnh Nghệ thuật là gì??? Theo như tôi thì Ảnh Nghệ thuật là những tác phẩm nhiếp ảnh có được những giá trị về tư tưởng, tinh thần của tác giả, chứa đựng tính nhân văn, chuyển tải được các giá trị về văn hóa, khơi gợi được cảm xúc của công chúng và đặc biệt phải có tính thẩm mĩ cao.
Một tác phẩm nhiếp ảnh Nghệ thuật trước tiên phải là một tác phẩm nhiếp ảnh đẹp hoặc phải gây được sự chú ý của người xem ngay từ cái nhìn đầu tiên, tác phẩm được thể hiện thông qua các ngôn ngữ tạo hình của nhiếp ảnh để khán giả phải dừng mắt, chiêm nghiệm và ngưỡng mộ bởi kỹ thuật, trình độ, sự phát hiện và khoảnh khắc xuất thần trong tác phẩm vượt lên trên mức thông thường.
Nhiếp ảnh Việt Nam đã qua rồi cái thời mà các Nghệ sỹ nhiếp ảnh ngồi trong phòng lạnh cắt ghép gió mây, thậm chí là cắt ghép cả con người và biến mình thành hoạ sĩ nhiếp ảnh.
Trong một cuộc thi đương nhiên sẽ có những tác phẩm có trình độ khác nhau chính vì thế việc của Hội đồng giám khảo là phải dùng trình độ của bản thân, dùng cảm nhận, những kinh nghiệm từng trải quý báu trong sáng tác của mình chọn ra những sản phẩm ảnh tốt nhất.
Giám khảo chấm ảnh cần phải đặt cái tôi, cái sở thích của bản thân mình rộng hơn, bao quát hơn, đặt mình vào số đông của người trong nghề để cảm nhận và lựa chọn những tác phẩm tiêu biểu và điều này cũng đồng nghĩa là kiến thức và trình độ của BGK phải có để trung hoà được cảm nhận đánh giá của giới chơi ảnh chuyên nghiệp, không chuyên và công chúng.
Cái đẹp mỗi người cảm nhận khác nhau tuy nhiên đã gọi là cái đẹp thì đó là chuẩn mực chung, không ai có thể khen cái xấu là đẹp cả.
Cuộc thi Ảnh Quốc tế lần thứ 11 năm 2021 (VN-21) do Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam (VAPA) tiến hành, dưới sự bảo trợ của Liên đoàn Nghệ thuật Nhiếp ảnh Quốc tế (FIAP), sự bảo trợ của Tổ chức Image Sans Frontiere (ISF) là cuộc thi ảnh nghệ thuật uy tín của Việt Nam với cộng đồng nhiếp ảnh Quốc tế bởi chất lượng ảnh tương đối cao ở những kỳ thi trước.
Là một cuộc thi với tiêu chí là Nghệ thuật nên tính chất báo chí, sự chân thực của mỗi tác phẩm có thể có, có thể không, tuy nhiên những tác phẩm được chọn ở các vị trí Huy chương hay Bằng Danh dự thì trước tiên cần phải đẹp, phải là những tác phẩm xứng đáng, những tác phẩm mới, sáng tạo, tư duy sâu sắc, nội dung phù hợp với văn hóa, tĩn ngưỡng của dân tộc, phải khiến người xem thậm chí là người có chuyên môn phải dừng mắt chiêm ngưỡng, suy ngẫm và trầm trồ, thán phục.
Ngoài những tác phẩm có chất lượng được Hội đồng giám khảo lựa chọn thì đâu đó vẫn có những sảm phẩm nhiếp ảnh yếu kém. Những tác phẩm có thể nói là sạn lại đoạt Huy chương và Bằng danh dự trong cuộc thi này.
Dưới đây là những tác phẩm gây nhiều tranh cãi trong giới nhiếp ảnh những ngày qua. Các Cụ vào từng ảnh đọc còm men và cùng chiêm ngưỡng lại nhé
PSA HM: Phan Vu Trong (VIET NAM) – Niềm Tin Thêm một tác phẩm vơi mô típ quen thuộc ‘Chụp các bác sĩ trong phòng phẫu thuật”. Nhân vật chính và các nhân vật phụ là hiện thân của những y, bác sĩ mang tâm thế y đức thiêng liêng, gánh vác sứ mệnh cứu người, tính nhân văn đáng nhẽ phải hiện rõ nét ở tấm ảnh này tuy nhiên điều đó lại không có. Biểu cảm khó hiểu, thay vì nhìn vào hành động đeo bao tay thì vị bác sĩ nhìn ra ngoài với ánh mắt vô hồn và đầy ma mị. Bức ảnh như một phân đoạn chuẩn bị mổ xẻ trong một bộ phim kinh dị Mỹ hoặc Châu Á, tông màu lạnh và cách nhấn sáng tối từng vùng, con người ẩn hiện trng một không gian hoang lạnh tạo ra một cảm giác ghê rợn cho người xem. Theo như như những lần tôi được tiếp cận chụp ảnh trong phòng mổ thì ánh sáng phòng mổ luôn đủ và không bao giơ có bóng như ảnh, các y bác sĩ hầu như không đeo kính bảo hộ trong phòng phẫu thuật bao giờ trừ những bác sĩ phải sử dụng kính do những bệnh lý về mắt. Còn nếu đeo kính bảo hộ vì COVID- 19 thì trang phục này không đúng quy định. Tác phẩm làm mất đi sự chân thực, tôn nghiêm, tính nhân văn của một trong những công việc cao quý của Ngành Y tế.
Huy chương Vàng ISF. Tác giả: Trần Trọng Lượm (Việt Nam) – Cầu Nguyện Tác phẩm HCV ISF mang tên “Cầu Nguyện” Đây có lẽ là một mô típ nguyện cầu rồi cầu nguyện quen thuộc, mà đã có quá nhiều nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam sác tác trong gần 20 năm qua. Sự lặp lại một trường phái sáng tác đã có từ trước không hiếm nhưng sẽ không được xem đó là sáng tác nếu như lặp lại và không có gì mới lạ hay xuất sắc hơn, đó đồng nghĩa với việc sao chép ý tưởng, nội dung chỉ khác cách thức trình bày trong một khuôn hình. cái gọi là sáng tác đó chỉ như một con vẹt tập nói, một bản photo không hơn không kém. Tác phẩm là một bức ảnh ghép, tác giả đã cắt ghép hình ảnh gương mặt của Đức phật và hình ảnh một em bé người Chăm. Hai hình ảnh này đặt cạnh nhau, nổi bật trên nền đen nhờ ánh sáng xiên. Em bé đang chắp tay nhìn lên, đôi mắt lộ rõ quầng trắnglà điểm nhấn trên gương mặt biểu cảm sự khó hiểu. Đối ngược với em bé là đôi mắt nhắm từ bi của Đức Phật. Tôi tự hỏi em bé còn nhỏ đang ở tuôi ăn chơi bố mẹ còn đang phải lo mà tác giả đã cho em vào hình chăp tay nguyện cầu cho những điều mà chưa chắc e đã hiểu, em đang nguyện cầu điều gì? Tác giả sử dụng sự đối lặp giữ đôi mắt nhắm của Đức phật và ánh mắt mở to của em là có chủ ý gì? và thêm một yếu tố nữa là Văn hóa tín ngưỡng của dân tộc Chăm là cầu nguyện Đức phật sao? Nếu là chắp tay trước Đức Phật phải chắp tay kiểu khác. Nếu để nói tác phẩm này xứng đáng với HCV ISF của cuộc thi thì thật khó hiểu với sự cảm nhận của người chấm ảnh. Tác phẩm này chỉ xứng đáng ở vị trí Accept, trưng bày cho cuộc thi.
ISF Diploma: Giang Son Dong (VIET NAM) -Noi Long Nguoi Me Tác phẩm này là sự cẩu thả trong crop khuôn hình, một bức hình lỗi và mọi yếu tố tạo hình nhiếp ảnh rất bình thường. Có chăng điều làm người xem quan tâm là biểu cảm của người mẹ với đôi mắt nhắm nghiền khi bế em bé trên tay,nỗi lòng người mẹ là gì?? Tác phẩm này chỉ như một bức ảnh báo chí đơn thuần không hơn, không kém. Nếu đã từng xem những tác phẩm tương tự của các phóng viên ảnh Việt Nam chụp trong một năm vừa qua về COVID-19 thì tác phẩm này còn khó để có thể được duyệt xuất hiện trên một bản tin của báo, chứ không nói đến việc sẽ được Bằng danh dự của một cuộc thi đẳng cấp Quốc tế như VN-21.
FIAP Bronze medal: Do Tuan Hung (VIET NAM) – Trúng này! Bức ảnh “Trúng này!” tác giả xóa phông thần kỳ bằng ống kính hay xóa phông bằng phần mềm PTS??? Xóa phông để nhằm mục đích gì???? cậu bé người Mông này đang chơi trờ chơi Tu Lu, có nơi còn gọi là tẩu Tù Lu người kinh ở đồng bằng Bắc bộ thì gọi là chơi Cù, chơi con quay. Thường thì người Mông họ chỉ chơi trò này vào các dịp lễ hội, lễ tết truyền thống và họ chơi thành nhóm đấu với nhau trong một không gian rất đông người chứng kiến. Tuy nhiên bức ảnh này mang cho ta cái cảm giác cậu bé người Mông này đang chơi cô đơn một mình trong Studio để cho nghệ sỹ chụp ảnh. Mọi sinh hoạt vui chơi mang tính cộng đồng của một dân tộc mang nhiều nét văn hóa đặc trưng, từ không gian, thời gian, trang phục cho đến không khí đều phải được tôn trọng. Một tác phẩm ảnh đơn thuần chụp một cậu bé trong trang phục người Mông chơi con quay trong một bối cảnh bị xóa mờ tất cả. Không gian của trò chơi, của con người, cảnh vật trong ảnh bị đánh cắp. Một bức ảnh gây cho người xem những cảm giác mơ hồ. Bức ảnh này đẹp về khoảnh khắc, ánh sáng… tuy nhiên để tác phẩm như được chụp trong Studio này đạt HCĐ của cuộc thi thì liệu có xứng đáng???
Huy chương Bạc VAPA. Tác giả Nguyễn Huy Tưởng (Việt Nam) – Giấc mơ Thấy gì từ bức ảnh này? Một sản phẩm lỗi của đồ họa hay sự thất bại của các hiệu ứng phần mềm Pts? Giấc mơ của một cô gái nửa người, nửa chim đang nghiêng mình ngủ trên đôi tay buông dài. Vì là một giấc mơ nên trang phục của của cô là màu trắng tinh khôi, cô gái có đôi đôi cánh chim ở phía lưng đang vung lên mạnh mẽ, một bàn chân thò ra từ bộ trang phục chim ngay dưới đôi bàn tay, vây xung quang cô toàn nước, những giải nước như được té vào người cô bung ra thành những hạt nước long lanh, phía dưới bức ảnh là boke lấp lánh được xóa mờ nhòe nhoẹt… mọi thứ nổi trên một nền đen. Tôi không hiểu cô gái là hiện thân của bồ câu hay thiên nga và nước bao xung quanh cô có ý nghĩa gì trong giấc mơ? cô gái đang mơ gì? cô đang mơ được là vừa vùng vẫy đôi cánh trong đại dương mênh mông nước vừa được ngủ ngon lành hay sao? Chim ngủ có bao giờ vỗ cánh đâu? hay là Bồ Câu nên cô mơ được vùng vẫy trong nước hay là thiên nga mơ có thêm nước để vẫy vỗ tung tăng???? Tác phẩm nhiếp ảnh và đặc biệt là tác phẩm được gọi là một tác phẩm nghệ thuật thì cần phải có được những lớp giá trị, ý nghĩa với người xem. Một tác phẩm vô nghĩa, vô tứ và chỉ đẹp về hình thức thì chỉ nên để trong ổ cứng thỉnh thoảng mang ra xem cho vui mà thôi.
FIAP HM: Nguyen Ba Hao (VIET NAM) – BAN TAY TAI HOA. Tôi chắc rằng không người thợ cơ khí nào chỉ đeo mỗi kính đen và giơ mặt mình ra để hàn xì cả,và cũng không người thợ nào dám mặc áo cộc tay để hàn xì cả bởi họ sẽ phải chịu những hậu quả nghiêm trọng về bỏng da,gây cháy và nám da. Yếu tố tiên quyết về an toàn lao động trong bức ảnh này không đảm bảo. Bức ảnh chụp một người thợ đang chấm những mối hàn tóe lửa lên đôi bàn tay sắt không lồ hầu như đã hoàn thiện. Nhiều khi tên ảnh được các Nghệ sỹ đặt mĩ miều quá, cao siêu quá sẽ gây khó cho người xem cảm nhận về bức ảnh. Tên ảnh là để diễn tả thêm cho những ý tứ của bức ảnh chính vì thế các Nghệ sỹ cần phải tận dụng thật tốt điều này. “Bàn tay tài hoa” là bàn tay nào? Bàn tay của người thợ hay bàn tay sắt vô tri vô giác kia, có lẽ ý tác giả là muốn nói đến đôi bàn tay (đang được đeo găng) của người thợ hàn tài hoa đã làm ra được một chiếc bàn tay bằng sắt này. Ngôn ngữ Tiếng Việt đa nghĩa, thâm sâu nên việc đặt tên ảnh cũng là điều BGK cần phải chú ý. Bố cục dàn ngang trên ảnh, hậu kỳ được làm tối để nổi bật chủ thể. Ngoài yếu tố kỹ thuật là sử dụng tốc độ chụp chậm làm những tia lửa bắn ra thành vệt là điểm nhấn của ảnh thì có lẽ đây là một bức ảnh bình thường mà sinh viên nhiếp ảnh năm đầu hay các bạn yêu thích ảnh cũng có thể chụp được nếu các bạn ấy có mặt tại đây. Tác phẩm không có gì đặc biệt, một mô típ chụp ảnh công nghiệp quá quen thuộc và an toàn.
VAPA Bronze medal: Nguyen Hoang Trong (VIET NAM) – Tranh moi Tác phẩm này có lẽ sẽ là một điều gì đó gây sốc đối với anh em trong giới nhiếp ảnh đã từng chụp Hải Âu và Nhạn biển ở Tp Rạch Giá – tỉnh Kiên Giang. Không có gì để bàn ở bức ảnh này từ khoảnh khắc cho đến nội dung tác phẩm đều khập khiễng. Sự quyết liệt ở việc tranh mồi trong giới động vật luôn là những cuộc tranh chấp quyết liệt, nó không hề bình lặng như tác phẩm này. Tôi đã từng xem và chụp những khoảnh khắc mà chim Nhạn biển tranh mồi với Hải Âu trên biển Rạch Giá, hai chủ thể này luôn tạo ra các cuộc rượt đuổi quyết liệt cả dưới mặt nước và trên không trung và nó là niềm cảm hứng lớn cho bất cứ một vị nhiếp ảnh gia nào đặt chân tới Rạch Giá – Kiên Giang vào mùa Chim Hải Âu về bờ. Xem tác phẩm ảnh này yếu tố tạo ra sự chuyển động, sự quyết liệt của một kẻ tranh và một kẻ giữ mồi là không có. Hai chú chim trong một không gian tĩnh lặng đang nhường mồi cho nhau thì đúng hơn, kiểu như anh lớn nhường em nhỏ. Tác phẩm này so với những tác phẩm chụp chim hải ấu và nhạn biển khác của anh em trong giới đã từng chụp thì chỉ nên nằm trong ổ cứng mà thôi.
VAPA HM: Tran Trung Quan (VIET NAM) – Nhộn nhịp trên đồng muối Nhộn nhịn là gì??? là sự đông đúc vui tươi của rất đông, rất đông người trong một khung cảnh mà không hề có sự lộn xộn, số đông đó lao động theo nhịp điệu lặp đi lặp lại với tinh thần vui vẻ hăng say. Bức ảnh này là sự nhộn nhịp ư? Không hề, 5 người làm việc trong một trạng thái âm thầm, ai làm việc nấy có gì là nhộn nhịp? Một bức ảnh Flycam với bố cục là những đường chéo, bóng người đổ dài cùng một ít muối trên ruộng muối vừa được vun thành hàng. Có gì đặc biệt ở nội dung hay hình thưc thể hiện? có gì đáng xem ở bức ảnh này so với những bức ảnh nghệ thuật đã rất thành công trước đây cũng chụp muối cũng với góc nhìn flycam??? Tên ảnh, nội dung truyền tải và hình thức thể hiện không ăn nhập, một tác phẩm nghệ thuật bình thường.
ISF Silver medal: Giang Thi Thanh Thuy (VIET NAM) – Bay len nao… Tên tác phẩm vừa nghe như nội dung của một tác phẩm ảnh sáng tác cho trẻ em, tên tác phẩm Bay lên nào… rất trừu tượng. Tác giả đưa một cô vũ công đến đúng một ô nắng xiên xuống từ trên cao, Cô vũ công nhảy lên váy tung ra tạo thành hình như cánh bướm đồng thời hai tay vươn ra hay bên, ánh nắng từ trên cao soi xuống tạo thành những đường sáng ven trên tóc, tay và làm hiện lên đôi chân của cô dưới lớp váy lụa trắng dày, đồng thời làm chiếc váy trắng sáng lên trong một không gian bị om sáng. Tất cả yếu tố về ánh sáng và khoảng khắc tạo thành một bức ảnh đẹp về ánh sáng. Tuy nhiên để nói về tạo hình của diễn viên múa trong ảnh là không có gì nổi bật, tạo hình quá đỗi bình thường và không có gì để phải trầm trồ cả. Cái mà các diễn viên múa Ballet có được là sự khổ luyện ở mũi chân,những động tác phô diễn toàn bộ tạo hình của cơ thể trên mũi chân thẳng tắp, phô được những khoảnh khắc tạo hình khó làm cho người xem nể phục đó mới là những thứ mà nhà nhiếp ảnh cần thể hiện. Một diễn viên múa bình thường cũng tạo ra được khoảnh khắc này, đứng vào chỗ ánh nắng thủng trên đầu nhảy lên tung váy tay giang ra là chụp có gì là khó đâu??? Đẹp về ánh sáng thôi chưa đủ để trở thành một tác phẩm ảnh nghệ thuật. Bức ảnh này nên dừng lại như một bức ảnh mà tác giả gửi tặng kỷ niệm cho cô diễn viên múa mà thôi

Nguyên văn: Luu Trong Dat

FB: https://www.facebook.com/trongdat.luu.1984

Hãy thích và chia sẽ nhé:
Pin Share
Công Đình Photography

Công Đình Photography

Công Đình Photography Freelance Đà Nẵng Phone: 0904.442.330 Nhận chụp ảnh cưới hỏi, phóng sự, chân dung, sự kiện
Close