Bộ ảnh The Pink Choice của nhiếp ảnh gia Maika Elan, tên thật là Nguyễn Thanh Hải, đoạt giải nhất thể loại Contemporary Issues (Vấn đề đương đại) trong cuộc thi World Press Photo 2012. Tác giả trở thành người Việt Nam đầu tiên đoạt giải thưởng World Press Photo, một trong những giải thưởng danh giá nhất thế giới trong lĩnh vực nhiếp ảnh

Dự án THE PINK CHOICE
Tác giả: Maika Elan
Thể loại: Nhiếp ảnh tài liệu
Số lượng ảnh: 45 chiếc

Đồng tính luyến ái hiện nay không còn là một điều cấm kỵ lớn nữa: mọi người đã nghe nói nhiều về nó, gần như chấp nhận nó, và hầu hết người ta cũng có thể dễ dàng nói mình đồng tính, hoặc có những người bạn đồng tính. Tuy nhiên, vẫn luôn có một rào cản rất lớn, khi mà nhận thức của người dân nói chung mới dừng ở mức độ biết được thế nào là đồng tính luyến ái hoặc các đặc điểm, xu hướng mang tính khác biệt của họ… Từ đó, thái độ chấp nhận của mọi người cũng dựa trên ý nghĩ cảm thông, bỏ qua, phớt lờ, thậm chí khinh thường chứ chưa có ghi nhận nào về sự cổ vũ việc thực hiện quyền tự do luyến ái.

Những người đồng tính, họ biểu lộ tình cảm với nhau ra sao, cuộc sống lứa đôi hàng ngày của họ diễn ra như thế nào? Đó dường như vẫn luôn là những câu hỏi bị cấm kỵ. Người ta tránh nói về nó, tránh tìm hiểu về nó; người ta ngại đặt câu hỏi và sợ hãi khi hình dung câu trả lời… Dựa trên sự tò mò, thúc đẩy từ bên trong và dựa trên cả những gì hiếm hoi mà tôi đã từng chứng kiến về cuộc sống lứa đôi của một vài cặp đồng tính: Tôi tha thiết với dự án chụp ảnh về các sinh hoạt hàng ngày và cuộc sống riêng tư của những cặp đôi đồng tính luyến ái (với tên gọi THE PINK CHOICE).

Tất cả những gì tôi muốn thể hiện trong dự án này:

Là đi đến tận cùng bản chất của tình yêu và cuộc sống yêu đương. Tôi không muốn khai thác sự khác biệt mang tính bề nổi của những người đồng tính. Tôi cũng không muốn khai thác những yếu tố giật gân, gây sốc trong cách thức thể hiện tình yêu của một nhóm người đồng tính, đặc biệt là nhóm những người chuyển giới. Cái tôi muốn thể hiện ở đây chỉ đơn giản là tình yêu, là cách họ chăm sóc và thể hiện tình cảm với nhau như thế nào. Và cái tôi muốn nhấn mạnh ở đây là tình yêu hay sự quan tâm mà họ dành cho nhau không có gì khác biệt: đều được thể hiện bởi những hành vi, thái độ, tinh thần và tình cảm cụ thể.

Tình yêu thì luôn đẹp, và chúng ta chỉ có thể hoàn toàn được coi là chấp nhận những người đồng tính luyến ái khi chúng ta chấp nhận tình yêu của họ – và cũng coi tình yêu đó như là một thứ gì (hiển nhiên) đẹp đẽ!

Tính khác biệt của dự án

Khi được hỏi về đề tài đồng tính rất nhiều người tỏ ra cởi mở và chấp nhận đề tài này nhưng khi cho chính họ xem những hình ảnh thân mật của các cặp đôi đồng tính thì đa số họ lại rất e ngại và không thật sự thừa nhận. Điều này khiến tác giả tự đặt cho mình mục tiêu mấu chốt đó là phải chụp làm sao để cho tất cả khán giả khi xem những bức ảnh trong The Pink Choice, họ phải cảm thấy những hình ảnh về các cặp đôi đồng tính đó là bình thường, là không có gì khác biệt, là cũng đẹp và thậm chí đáng ghen tị … Vì vậy, tác giả chủ yếu lựa chọn những khuôn hình mô tả các cảnh sống hết sức bình dị và thân quen, những cảnh sinh hoạt mà bất cứ ai cũng có thể dễ dàng bắt gặp và nhìn thấy ở đâu đó, để họ có được cảm giác đầu tiên là sự gần gũi, sau đó là thú vị và dần tìm đến được sự đồng cảm.

Nếu như các dự án/tác phẩm về đồng tính luyến ái ở Việt Nam trước đây thường được khai thác theo các dạng sau: tập trung vào sự khác biệt (đặc biệt trong phim ảnh, khi gây dựng hình ảnh những người đồng tính ăn mặc màu mè, trang điểm, đi lại ẻo lả, nói năng cong cớn, thô lỗ.. ); sử dụng hình ảnh mô phỏng (đặc biệt trong nhiếp ảnh – khi mô tả về các vấn đề của người đồng tính lại thường dùng những hình ảnh thay thế hoặc không sử dụng hình ảnh của nhân vật thật; mà nếu có nhân vật thật thì cũng lại bị che đậy như dùng mặt nạ, chụp sau lưng…). Tất cả những hình thức thể hiện gián tiếp đó không những không đem lại cái nhìn thiện cảm hơn cho người đồng tính mà còn khiến họ trở nên quái đản, kì cục và vô tình càng làm họ thiếu tự tin và thầm lặng hơn. Chính vì vậy, tôi muốn dự án này là một sự khác biệt khi trực tiếp đặt ra các vấn đề riêng tư và cũng trực tiếp thể hiện nó bằng chính những con người thật, nhân vật thật và bằng một hình thức không thể thật hơn được nữa – đó là nhiếp ảnh.

Ngoài ra, khi khai thác các câu chuyện về đồng tính luyến ái, ở cả Việt Nam và trên thế giới, các tác giả thường đưa ra những câu chuyện buồn, những số phận đau khổ hoặc những kết cục bi đát dành cho các lựa chọn và cuộc sống của người đồng tính, đặc biệt là trong điện ảnh. Cách khai thác này có thể giúp người đọc/người xem hiểu và thương cảm nhiều hơn với những khó khăn, thiệt thòi và áp lực mà người đồng tính gặp phải, nhưng nó dễ gây hiểu lầm cho mọi người là cuộc sống của người đồng tính chỉ toàn những khổ đau, day dứt và để công khai mình là người đồng tính là một nỗ lực phi thường, là đi ngược lại với cộng đồng và chấp nhận trở nên khác biệt. Vấn đề là, rõ ràng là trong cuộc sống thật, có rất nhiều người khi nhận ra mình đồng tính, họ vui vẻ chấp nhận điều đó ngay và sống đúng với những mong muốn của bản thân mình. Cũng có rất nhiều cặp đôi đồng tính yêu nhau, gìn giữ và cùng nhau xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc như bao người khác.

The Pink Choice là một bộ ảnh về tình yêu của những người đồng tính, nên khi chụp ảnh, tác giả tập trung vào không gian sống, các va chạm thân mật và hơn hết là sự đồng điệu của những người yêu nhau hơn là bản thân chính nhân vật được chụp. Người xem có thể không thấy rõ tính cách của từng nhân vật trong ảnh hoặc những câu chuyện riêng biệt của họ nhưng có thể cảm nhận được một không khí ấm áp của sự yêu thương và những quan tâm chân thành. Nói cách khác, tác giả thông qua các nhân vật để kể câu chuyện mà mình chứng kiến chứ không phải bản thân các nhân vật tự kể câu chuyện của chính họ.

Nguồn: maikaelan.com

Hãy thích và chia sẽ nhé:
Pin Share
Công Đình Photography

Công Đình Photography

Công Đình Photography Freelance Đà Nẵng Phone: 0904.442.330 Nhận chụp ảnh cưới hỏi, phóng sự, chân dung, sự kiện
Close